Bước tới nội dung

Khu di tích lò gốm Tam Thọ

19°45′7″B 105°45′21″Đ / 19,75194°B 105,75583°Đ / 19.75194; 105.75583
Bách khoa toàn thư mở Wikipedia

Khu di tích lò gốm Tam Thọdi tíchgốm cổ, nay thuộc địa phận hai làng Tam Thọ và Văn Vật, xã Đông Vinh, thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa, Việt Nam. Khu di tích này nằm gần kề quốc lộ 45, cách trung tâm thành phố Thanh Hóa khoảng hơn 7 km về phía tây nam.[1] Năm 2004, khu lò gốm Tam Thọ đã được xếp hạng là Di tích lịch sử văn hóa khảo cổ học cấp tỉnh.[2]

Di tích lò nung cổ

[sửa | sửa mã nguồn]

Khu lò gốm Tam Thọ nhìn từ bên ngoài là các gò đất nhô cao, được nhà khảo cổ người Thụy Điển Olov Janse phát hiện lần đầu tiên vào tháng 2 năm 1937[1], lúc đó thuộc tổng Viễn Chiếu, phủ Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa.

Tại thời điểm được phát hiện, khu lò gốm Tam Thọ là di tích lò nung gốm cổ duy nhất ở Đông Dương. Từ đó đến nay, đã có trên 10 khu lò gốm thuộc giai đoạn 10 thế kỷ đầu công nguyên được phát hiện và nghiên cứu tại Việt Nam. Tuy nhiên, khu lò gốm Tam Thọ vẫn là khu lò có quy mô lớn nhất, niên đại sớm nhất trong giai đoạn 10 thế kỷ đầu công nguyên. Trong các năm từ 1937 đến 1939, Janse đã tiến hành khai quật 8 lò nung cổ tại đây. Kết quả nghiên cứu về công trình khai quật của Janse về khu lò gốm Tam Thọ được công bố trong 3 tập sách "Nghiên cứu khảo cổ học Đông Dương": tập I (1947), tập II (1951), tập III (1958) và "Bí mật của cây đèn hình người" (Stockhom 1959).[1]

Trong phạm vi hơn 1 km dọc theo kênh Đô nằm giữa hai làng Tam Thọ và Văn Vật, có hàng chục gò đất lớn chứa các lò nung gốm cổ, mỗi gò có chu vi rộng 30 m đến 40 m, chứa ít nhất 3 lò gốm cổ. Tại khu vực gò Quyến thuộc làng Tam Thọ, trong cuộc khai quật năm 2001, các nhà khảo cổ học Việt Nam đã tìm ra dấu vết của 6 lò gốm cổ. Nền của các lò nung được tôn lên nhiều lần chứng tỏ các lò này còn được sử dụng lâu dài về sau.[1]

Ngoài ra, cũng trên rìa dọc kênh Đô đoạn giữa 2 làng Tam Thọ và Văn Vật còn có một hệ thống lò sành niên đại từ thế kỷ 16 đến thế kỷ 18. Khu lò sành này được coi là gạch nối truyền thống sản xuất gốm trước và sau thời kỳ Bắc thuộc của khu vực này.[1]

Đặc điểm của lò nung

[sửa | sửa mã nguồn]

Hầu hết các lò nung đã khai quật ở Tam Thọ đều không còn nguyên vẹn, phần vòm lò đã bị sập hoàn toàn. Các vòm lò ở đây có dáng hình lòng máng, độ dày trung bình từ 15 cm đến 25 cm, được đắp bằng đất sét vào các phên tre được uốn cong từ trước, sau đó được đầm nện kỹ tạo độ kín, chắc. Cốt tre của vòm lò được trát một lớp bùn chứa nhiều cát, khi nung lớp bùn này sẽ bị thủy tinh hóa tạo ra một lớp liên kết kín cho vòm lò. Loại bùn này cũng được sử dụng vào việc tạo một lớp áo thủy tinh màu xanh khá dày và đều ở phía trong các bộ phận khác của lò như tường lò, bầu lò...[1]

Tại Tam Thọ, có hai dạng lò nung gồm lò cóc và lò ống. Lò cóc là loại lò rất ngắn, chỉ có một bậc từ bầu đốt lên thân lò, nhìn giống một con cóc ngồi. Điển hình của loại lò này là lò nung số IA ở gò Chùa, làng Văn Vật được O. Janse khai quật năm 1937. Lò này chạy theo hướng Đông – Tây, phần bầu lò dài 2,20m, thân lò dài 6,30m, chiều rộng nhất của lò là gần 2m, chỗ cao nhất còn lại của tường lò là 1,60m. Kiểu lò nung này ngày nay vẫn còn thấy ở khu Lò Chum, thành phố Thanh Hóa.[1]

Loại hình lò ống thực chất là loại lò cóc có kích thước kéo dài ra. Điển hình lò nung số IA - Gò Quyến ở thôn Tam Thọ, có chiều dài 9,15m; lò số I- Gò án Lớn thuộc làng Văn Vật dài tới 12,40m. Các lò này không có cấp bậc nên độ dốc của mặt nền lò là rất lớn. Thông thường độ chênh lệch từ bầu đốt đến hậu lò là hơn 1m. Kiểu lò ống ở Tam Thọ còn thấy tồn tại ở các trung tâm gốm cổ khác của Việt Nam như Chu Đậu (Hải Dương) thế kỷ 15-16; Gò Sành (Bình Định) thế kỷ 15-17...[1]

Sản phẩm

[sửa | sửa mã nguồn]
Vò sành đựng lương thực tại Thanh Hóa, thế kỉ 11-12.

Sản phẩm gốm Tam Thọ gồm có ba dòng: đồ gốm đất nung, đồ sành và đồ gốm tráng men. Trong đó, đồ sành ở lò gốm Tam Thọ chủ yếu là đồ gia dụng có kích thước lớn, thành dày, độ nung không cao.[3]

Có khoảng 18 loại hình hiện vật khác nhau ở Tam Thọ được nhận biết qua khai quật, gồm các nhóm:[1]

  • Gạch: gồm gạch múi bưởi, gạch bìa hình chữ nhật, gạch lát nền hình vuông. Các loại gạch có kích cỡ khác nhau, có thể có trang trí hoa văn hình học.
  • Ngói: có hai loại chính là ngói ống và ngói bản. Ngói ống có dạng hình như một ống tre bổ đôi thành một nửa có dạng hình lòng máng hay bán viên trụ, làm bằng khuôn có lớp vải ở mặt trong, mặt ngoài (mặt dương) thường có hoa văn chải chéo. Ở đây còn có loại ngói ống có phần đầu ngói (ngoã đương) là hàng ngói cuối cùng của mái, thường được trang trí hình mặt hề, hình cánh sen. Ngói bản có độ cong doãng, thường có hoa văn trang trí ở mặt âm (mặt dưới của mái và là mặt cong lồi của viên ngói). Đầu của loại ngói này thường có các hoa văn như: văn in ô vuông, văn trám lồng hoặc văn xương cá...
Ngói và gạch ở Tam Thọ có các màu sắc chủ đạo là đỏ, hồng, xám, tím, ngoài ra còn có các màu trung gian, do độ nung và chất đất khác nhau. Một số viên gạch, ngói do được nung ở nhiệt độ rất cao nên đã trở thành loại sành xốp.
  • Nhóm hiện vật là đồ minh khí (thường dùng chôn theo mộ): mô hình nhà trang trại, mô hình kho thóc, mô hình giếng...
  • Nhóm hiện vật là công cụ sản xuất: chì lưới, dọi xe chỉ, bàn dập hoa văn gốm.
  • Nhóm hiện vật là tượng động vật nhỏ: lợn, bò có bướu, vịt, được nặn sơ sài như đồ chơi của trẻ con.

Hoa văn trên đồ gốm Tam Thọ rất đa dạng, gồm có ít nhất 10 loại khác nhau. Các loại hoa văn chủ đạo: hoa văn in ô trám (văn trám đơn, văn trám lồng), hoa văn in ô vuông, hoa văn hình hoa thị, hoa văn xương cá hoặc lá dừa, hoa văn phên đan, hoa văn thừng, hoa văn chải, hoa văn sóng nước và văn vòng chỉ chìm, hoa văn đắp nổi...[1]

Một lượng nhất định đồ gốm ở đây được tráng men, với các màu cơ bản như: men ngà, men ngọc non. Đồ gốm men Tam Thọ chưa đạt đến kỹ thuật cao.[1]

Niên đại

[sửa | sửa mã nguồn]

Dựa trên phương pháp so sánh loại hình và phương pháp Định tuổi bằng cacbon-14, niên đại của khu lò gốm Tam Thọ kéo dài từ thế kỷ 1 đến thế kỷ 4.[1][3][4]

Khu lò gốm Tam Thọ nằm ở khu vực trung tâm của đồng bằng Thanh Hóa, gần các sông cổ trong khu vực như kênh Đô, sông Hoàng, sông Nấp, có những mỏ đất sét trắng thuận lợi cho việc khai thác sản xuất gốm. Các mỏ sét trắng này là kết quả trầm tích phù sa sông cổ ở vùng trước đồi núi sót quanh vùng như núi Đa Sĩ, núi Nhồi, núi Nấp, núi Hoàng Nghiêu. Kênh Đô ở Tam Thọ nối liền với hệ thống sông Mã, sông Yên, sông Chu, là tuyến giao thông giúp gốm Tam Thọ vươn ra khắp vùng đồng bằng và miền núi Thanh Hóa. Vùng đồi núi phía tây nam khu lò gốm có thể là nơi cung cấp nguyên liệu đốt chủ yếu.[1]

Chủ nhân của các lò gốm Tam Thọ có thể là những chủ lò vùng Giang Nam (Trung Quốc) sang lập nghiệp ở Cửu Chân thời thuộc Hán hoặc cũng có thể những người thợ gốm Đông Sơn qua giao lưu tiếp xúc đã học được kỹ thuật sản xuất gốm mới trên nền tảng kĩ thuật sản xuất gốm từ gốm Đa Bút, gốm Hoa Lộc, gốm Cồn Chân Tiên, gốm Quỳ Chữ.[1] Lò gốm Tam Thọ cũng như các lò gốm xuất hiện trong 10 thế kỷ đầu Công nguyên ở miền Bắc Việt Nam như các lò gốm Thanh Lãng, Lũng Ngoại, Đồng Đậu (Vĩnh Phúc), Đại Lai, Luy Lâu, Đương Xá (Bắc Ninh) đã kết hợp được truyền thống gốm Đông Sơn với kỹ thuật sản xuất gốm tiên tiến đương thời của Trung Hoa để sản xuất ra dòng gốm Việt – Hán mang sắc thái bản địa bên cạnh dòng gốm Đông Sơn tồn tại trong các làng Việt cổ.[4]

Thị trường tiêu thụ gốm Tam Thọ

[sửa | sửa mã nguồn]

Các khu mộ lớn được O. Janse khai quật tại Thanh Hóa trong những năm 1930 đã phát hiện thấy đồ gốm tuỳ táng chủ yếu của khu lò Tam Thọ. Các loại gạch, ngói ở Tam Thọ cũng phục vụ cho việc xây dựng các mộ, nhà cửa, thành quách, dinh thự của người Hán. Đặc biệt, gần như tất cả các di tích Đông Sơn muộn ở Thanh Hóa đều xuất hiện gốm Tam Thọ với một tỷ lệ rất cao. Chẳng hạn, tại di chỉ Bái Cường (xã Định Thành, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa) là một làng cổ của cư dân Đông Sơn có niên đại thế kỷ 2 đến thế kỉ 3, trong 4 m² thám sát vào năm 1999, đã thu được 8,540 kg gốm thô Đông Sơn và 9,376 kg đồ gốm Tam Thọ.[1]

Trong khoảng 4 thế kỷ hoạt động, gốm Tam Thọ đã có ảnh hưởng rất lớn đến thị trường tiêu thụ gốm ở miền đồng bằng Bắc Bộ và vùng Thanh Nghệ. Hầu hết các di chỉ và mộ táng ở miền Bắc Việt Nam thời Đông Hán và đầu thời Lục triều đều tìm thấy sản phẩm của lò gốm Tam Thọ. Gốm Tam Thọ đã mở đầu cho một dòng gốm mới bên cạnh dòng gốm Đông Sơn truyền thống.[4]

Gốm Tam Thọ còn có mặt ở phía Nam quận Cửu Chân. Tại các di tích như Trà Kiệu thuộc huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, di tích Suối Chình thuộc huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi... cũng tìm thấy gốm Tam Thọ. Có khả năng đồ gốm Tam Thọ còn cung cấp cho các nước khu vực Đông Nam Á.[1]

Chú thích

[sửa | sửa mã nguồn]
  1. ^ a b c d e f g h i j k l m n o p Đỗ Quang Trọng (2002). “Khu lò gốm cổ Tam Thọ xã Đông Vinh, huyện Đông Sơn tỉnh Thanh Hoá”. Bản sao đã lưu trữ. Thanh Hóa: Nhà xuất bản Thanh Hóa. tr. 25-37. Bản gốc lưu trữ ngày 27 tháng 6 năm 2012. Truy cập ngày 20 tháng 9 năm 2012. Đã định rõ hơn một tham số trong |tựa đề=|title= (trợ giúp); Đã định rõ hơn một tham số trong |ngày truy cập=|access-date= (trợ giúp)
  2. ^ Quyết định số 255/QĐ-CT ngày 28 tháng 1 năm 2004 của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá về việc xếp hạng di tích lịch sử văn hoá và danh lam thắng cảnh cấp tỉnh.
  3. ^ a b Lâm Thị Mỹ Dung, Nguyễn Anh Thư. “Đồ gốm những thế kỷ đầu Công nguyên ở miền Bắc, miền Trung (Champa), miền Nam (Óc Eo) Việt Nam trong bối cảnh Đông Nam Á”. Website Bảo tàng nhân học. Truy cập ngày 20 tháng 9 năm 2012.
  4. ^ a b c Trần Anh Dũng (2005). “Các khu lò sản xuất đồ gốm cổ 10 thế kỷ đầu công nguyên ở Việt Nam”. Một thế kỉ khảo cổ học ở Việt Nam. Hà Nội: Nhà xuất bản Khoa học xã hội. tr. 336-348. Truy cập ngày 20 tháng 9 năm 2012.[liên kết hỏng]

Tham khảo

[sửa | sửa mã nguồn]
pFad - Phonifier reborn

Pfad - The Proxy pFad of © 2024 Garber Painting. All rights reserved.

Note: This service is not intended for secure transactions such as banking, social media, email, or purchasing. Use at your own risk. We assume no liability whatsoever for broken pages.


Alternative Proxies:

Alternative Proxy

pFad Proxy

pFad v3 Proxy

pFad v4 Proxy