Bước tới nội dung

Nuckelavee

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Tammas flees the nuckelavee
Nuckelavee đuổi theo một người dân đảo, tranh của James Torrance (1859–1916)

Nuckelavee ( /nʌklɑːˈv/) hoặc nuckalavee là một con quỷ trong thần thoại Orkney, có hình dáng lai ngựa và người. Nó có nguồn gốc từ thần thoại Bắc Âu và là con quỷ gây kinh hoàng nhất[cần dẫn nguồn] trong số những con quỷ trên Quần đảo phương Bắc (tiếng Scots: Northren Isles) thuộc Scotland. Hơi thở của nuckelavee có thể làm hủy hoại mùa màng và gây bệnh cho gia súc. Tuy chủ yếu sống ở dưới biển, sinh vật này lại được xem là nguyên nhân gây hạn hán và bệnh dịch trên đất liền.

Một người dân đảo tự nhận đã chạm trán nuckelavee và đưa ra miêu tả chi tiết về con quỷ này khi nó xuất hiện trên đất liền, tuy nhiên những miêu tả về ngoại hình của nuckelavee thường không nhất quán. Giống như nhiều loại quái vật biển khác, nó không chịu được nước ngọt, do đó để thoát khỏi sự truy đuổi của nó thì người ta chỉ cần băng qua một con sông hoặc suối. Vào những tháng mùa hè, nuckelavee bị nữ thần Orkney cổ là Mither o' the Sea giam hãm. Bà là người duy nhất có khả năng khống chế nó.

Văn hóa dân gian Orkney chịu ảnh hưởng lớn từ Scandinavia; có khả năng nuckelavee là kết quả của sự lai tạo giữa một loài ngựa nước của thần thoại Celt và một sinh vật du nhập từ Bắc Âu. Tương tự các thực thể xấu xa khác, ví dụ như quái vật kelpie, có thể nuckelavee được người dân đảo thời xưa dùng để lý giải cho những sự kiện mà họ không hiểu.

Từ nguyên

[sửa | sửa mã nguồn]

Cuối thế kỷ 19 là giai đoạn mối quan tâm dành cho việc ghi chép lại văn học dân gian được đẩy lên cao trào, nhưng những người biên chép lại không thống nhất trong cách viết chính tả và thường xuyên Anh hóa các từ ngữ, nên một thực thể có thể có nhiều tên gọi khác nhau.[1] Thuật ngữ nuckelavee bắt nguồn từ knoggelvi trong phương ngữ Orkney,[2] nghĩa là "Quỷ Biển" theo cư dân Orkney và nhà nghiên cứu văn hóa dân gian thế kỷ 19 Walter Traill Dennison.[3]Shetland nó có tên gọi mukkelevi, là một con trow biển hoặc quỷ biển hung ác.[4] Nhà khảo cổ những năm đầu thế kỷ 19, Samuel Hibbert, cho rằng phần nuck trong tên của nuckelavee có chung nguồn gốc với từ Nick trong Nick Già (Old Nick) – một biệt danh của Ác thần trong tín ngưỡng Kitô giáo – và từ necare, nghĩa là "giết" trong tiếng Latinh.[5]

Tín ngưỡng dân gian

[sửa | sửa mã nguồn]
Rough seas
Những vùng biển động dữ dội của Orkney là nơi sinh sống của nuckelavee.

Các miêu tả và đặc tính chung

[sửa | sửa mã nguồn]

Truyện về những con quỷ trong thần thoại Orkney được chép trong các bản thảo tiếng Latinh thế kỷ 16 của Jo Ben,[a] và có khả năng ông này đã đề cập đến nuckelavee khi miêu tả về hòn đảo Stronsay thuộc Orkney.[9] Dennison đã chép lại hầu hết những thông tin sẵn có về các câu chuyện dân gian truyền miệng tại Orkney, nhưng ít nhiều lại lãng mạn hóa và thay đổi có hệ thống một số yếu tố của các câu chuyện này trong quá trình cải biên chúng thành văn xuôi.[10][b]

Nuckelavee là một sinh vật biển thần thoại có hình dáng một con quỷ ngựa khi lên đất liền.[12] Nhà văn và nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Ernest Marwich cho rằng nó rất giống loài nøkk của Na Uy, loài nuggle của Shetland và loài kelpie. Là sinh vật độc nhất vô nhị sở hữu nguồn sức mạnh tà ác khổng lồ, những hành vi xấu xa của nó có thể gây ảnh hưởng rộng khắp các quần đảo.[4] Cư dân đảo kinh sợ nuckelavee và chỉ dám nói tên nó nếu lập tức cầu nguyện ngay sau đó.[13] Nó thường xuất hiện gần bãi biển nhưng sẽ không bao giờ lên bờ nếu trời đang mưa.[14]

Không có câu chuyện nào kể về hình dạng dưới biển của nuckelavee,[3] nhưng hình dạng trên bờ của nó lại được gợi tả rất sinh động.[15] Tammas, một cư dân đảo, tự nhận đã sống sót sau khi chạm trán với nuckelavee và miễn cưỡng mô tả lại con quỷ này sau khi được Dennison ra sức thuyết phục; đây là lời miêu tả trực tiếp duy nhất từng được ghi nhận.[c] Theo lời Tammas, nuckelavee có phần thân trên của một người đàn ông gắn liền với lưng ngựa, giống như một người đang cưỡi ngựa.[3] Phần thân người của nó không có chân nhưng hai cánh tay có thể chạm tới mặt đất, còn chân ngựa thì có vây giống như phần phụ.[13] Phần thân người có một cái đầu rất lớn – đường kính lên đến 3 foot (90 cm) – có thể xoay trước sau.[14] Con quái vật mà Tammas tả có hai đầu,[17] đầu ngựa có một cái miệng rộng ngoác toát ra hơi thở hôi thối độc hại và một con mắt khổng lồ như ngọn lửa đỏ đang bốc cháy. Có một chi tiết đặc biệt kinh khiếp khác, đó là nuckelavee không có da;[18] người ta có thể thấy máu đen chảy qua tĩnh mạch vàng, những đường gân lợt màu và thớ cơ mạnh mẽ lồ lộ thành một khối phập phồng.[13] Nhiều người khác cho rằng nó trông giống nhân mã,[19] tuy nhiên những câu chuyện này thường không nhất quán khi đi vào miêu tả một cách chi tiết hơn.[2] Traill Dennison chỉ tả lại một cái đầu người có "miệng lồi ra như mõm heo".[13] Marwick cũng chỉ nhắc đến một cái đầu với một con mắt màu đỏ, đồng thời mượn thêm từ mô tả của Tammas là miệng của nuckelavee "giống miệng cá voi".[14]

Hơi thở của nuckelavee có thể làm héo mùa màng và gây bệnh cho gia súc. Nó cũng được xem là nguyên nhân gây ra bệnh dịch và hạn hán.[13] Việc đốt tảo biển để lấy một chất bột mà thời ấy gọi là "tro tảo" bắt đầu diễn ra ở Stronsay vào năm 1722. Sản phẩm tạo thành – tro soda – là một chất kiềm chủ yếu sử dụng để xử lý đất chua,[4][13] dù theo thời gian thì tầm quan trọng thương mại của nó trong việc sản xuất xà bông và thủy tinh cũng gia tăng. Người ta tin khói hăng bốc lên trong quá trình này đã chọc giận nuckelavee,[4] kéo theo một cơn thịnh nộ điên cuồng với dịch hạch, chết gia súc và mùa màng bị phá hủy.[20][21] Nuckelavee bị quy là đã truyền nhiễm một căn bệnh chết chóc tên mortasheen[d] cho những con ngựa ở Stronsay để bộc lộ cơn giận của mình và giáng đòn trả thù lên những cư dân đảo vì đã đốt tảo biển. Căn bệnh sau đó lan sang tất cả những hòn đảo khác có liên can đến ngành kinh doanh này.[4][4] Nuckelavee cũng bị quy trách nhiệm cho những đợt có lượng mưa thấp bất thường và kéo dài, dẫn đến tình trạng thiếu hụt nước và thu hoạch kém.[4]

Nuckelavee là con quỷ hiểm ác nhất trong số những con quỷ sống trên và xung quanh các đảo Scotland, hoàn toàn không có đặc điểm tốt nào bù lại.[23] Thực thể duy nhất có khả năng chế ngự nó là Mither o' the Sea, một nữ thần cổ xưa trong thần thoại Orkney. Trong những tháng mùa hè, nuckelavee bị bà giam hãm.[24] Tương đồng với các quái vật biển thần thoại khác, ngoại trừ có lẽ là kelpienuggle của Shetland, nuckelavee không thể lội qua nước ngọt đang chảy,[18] do đó người ta có thể chạy thoát khỏi nó bằng cách băng qua sông suối.[25] Tammas đã thành công thoát khỏi nuckelavee sau khi vô tình hất nước từ cái hồ gần đó vào người nó; trong một khoảng chóng vánh, con quái vật bị đánh lạc hướng, Tammas kịp tháo chạy đến một kênh nước ngọt và an toàn nhảy sang bờ bên kia.[17]

Nguồn gốc

[sửa | sửa mã nguồn]

Có khả năng các sinh vật độc ác được tạo ra để làm lời lý giải cho những sự kiện mà người dân đảo không giải thích được. Nhiều truyện thần thoại cổ xưa cũng dựa trên các yếu tố tự nhiên của vùng biển dữ bất định bao quanh Orkney.[26][27][28][29] Những chuyện kể lâu đời của Orkney chịu ảnh hưởng lớn từ thần thoại Scandinavia hòa lẫn với truyện Celt truyền thống,[30] nên nuckelavee có thể bắt nguồn từ một sinh vật thần thoại do người Bắc Âu du nhập lai tạp với một loài ngựa nước truyền thống của Celt.[2]

Tham khảo

[sửa | sửa mã nguồn]
  1. ^ Không ai rõ vì sao Jo Ben lại biên soạn bản thảo "Những miêu tả về Orkney", trong đó miêu tả theo trình tự những chi tiết về các truyền thuyết và sự phát triển của Quần đảo Orkney. Nhiều giả thuyết về danh tính của Jo Ben đã được đưa ra: Scran tuyên bố ông là John Ballender và được cử đi để thực hiện một cuộc khảo sát về quần đảo;[6] nhà nghiên cứu địa lý học lịch sử Charles W. J. Withers nói ông là John Benston hoặc Beinston, một tu sĩ của giám mục Orkney;[7] nhà sử học địa phương Sigurd Towrie lại nói ông có thể là John Bellenden hoặc Ballendon, và cho rằng bản thảo này là "bản miêu tả lâu đời nhất còn sót lại của Quần đảo Orkney, sau khi được chuyển đến Scotland vào năm 1468."[8]
  2. ^ Không rõ Traill Dennison thu thập những câu chuyện này vào ngày tháng cụ thể nào, nhưng nhiều bản ghi chép khác nhau của ông được xuất bản từ năm 1880 đến năm 1894.[11]
  3. ^ Traill Dennison bóng gió ám chỉ câu chuyện của Tammas có nét tương đồng với những sự kiện chép trong bài thơ Tam o' Shanter của Robert Burns (1790).[16]
  4. ^ Ngày nay bệnh này được gọi là bệnh loét mũi truyền nhiễm.[22]

Trích dẫn

[sửa | sửa mã nguồn]
  1. ^ Monaghan (2009), tr. ix, xi, xv
  2. ^ a b c “The Nuckelavee – Devil o' the Sea”, Orkneyjar.com, lưu trữ bản gốc ngày 28 tháng 10 năm 2014, truy cập ngày 14 tháng 6 năm 2014
  3. ^ a b c Traill Dennison (1891), tr. 131
  4. ^ a b c d e f g Marwick (2000), tr. 23
  5. ^ Hibbert (1891), tr. 233
  6. ^ “Jo Benn's 1529 Description of North Ronaldsay”, Scran, lưu trữ bản gốc ngày 1 tháng 7 năm 2015, truy cập ngày 2 tháng 6 năm 2015
  7. ^ Withers (2001), tr. 48
  8. ^ “Jo Ben's "Descriptions of Orkney", Orkneyjar.com, lưu trữ bản gốc ngày 1 tháng 7 năm 2015, truy cập ngày 2 tháng 6 năm 2015
  9. ^ “Jo Ben's 1529 "Descriptions of Orkney", Orkneyjar.com, lưu trữ bản gốc ngày 6 tháng 3 năm 2015, truy cập ngày 22 tháng 6 năm 2014
  10. ^ Jennings, Andrew, “The Finnfolk”, University of the Highlands and Islands, Bản gốc lưu trữ ngày 23 tháng 10 năm 2014, truy cập ngày 21 tháng 6 năm 2014
  11. ^ Marwick (2000), tr. 205
  12. ^ Westwood & Kingshill (2012), tr. 387
  13. ^ a b c d e f Traill Dennison (1891), tr. 132
  14. ^ a b c Marwick (2000), tr. 22
  15. ^ Briggs (2002), tr. 67
  16. ^ Douglas (2010), tr. 125
  17. ^ a b Traill Dennison (1891), tr. 133
  18. ^ a b Westwood & Kingshill (2012), tr. 388
  19. ^ Mack & Mack (2010), tr. 57
  20. ^ “The kelp industry”, Scapa Flow Landscape Partnership Scheme, Bản gốc lưu trữ ngày 17 tháng 10 năm 2014, truy cập ngày 24 tháng 6 năm 2014
  21. ^ “Whale oil uses”, Scran, lưu trữ bản gốc ngày 19 tháng 1 năm 2015, truy cập ngày 24 tháng 6 năm 2014
  22. ^ “mortercheyn”, Dictionary of the Scots Language, Scottish Language Dictionaries, 2004, truy cập ngày 24 tháng 6 năm 2014
  23. ^ Briggs (2002), tr. 68
  24. ^ Bane (2013), tr. 252
  25. ^ Briggs (2002), tr. 53
  26. ^ Traill Dennison (1890), tr. 70
  27. ^ “The Sea in Orkney Folklore”, Orkneyjar.com, lưu trữ bản gốc ngày 10 tháng 6 năm 2014, truy cập ngày 26 tháng 6 năm 2014
  28. ^ Marwick (2000), tr. 19
  29. ^ Westwood & Kingshill (2012), tr. ix
  30. ^ Muir (2014), tr. 10

Tham khảo

[sửa | sửa mã nguồn]
pFad - Phonifier reborn

Pfad - The Proxy pFad of © 2024 Garber Painting. All rights reserved.

Note: This service is not intended for secure transactions such as banking, social media, email, or purchasing. Use at your own risk. We assume no liability whatsoever for broken pages.


Alternative Proxies:

Alternative Proxy

pFad Proxy

pFad v3 Proxy

pFad v4 Proxy