Bước tới nội dung

Quốc hội Croatia

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Quốc hội Croatia

Hrvatski sabor
Quốc hội khóa 10
Biểu trưng Quốc hội Croatia
Dạng
Mô hình
Lãnh đạo
Gordan JandrokovićLiên minh Dân chủ Croatia
Từ ngày 5 tháng 5 năm 2017
Các Phó Chủ tịch Quốc hội

Từ ngày 16 tháng 10 năm 2020
Cơ cấu
Số ghế151
Distribution of seats in the Parliament for each political group
Chính đảngChính phủ (67)

Tín nhiệm và ngân sách (9)

Đối lập (75)

Bầu cử
Hệ thống đầu phiếuĐại diện tỷ lệ liên danh đảng mở
Bầu cử vừa qua17 tháng 4 năm 2024
Trụ sở
Building with columns in front
Cung điện Quốc hội, Zagreb
Trang web
sabor.hr

Quốc hội Croatia (Hrvatski sabor)[A]cơ quan lập pháp một viện của Croatia, cơ quan đại biểu của nhân dân Croatia, thực hiện quyền lập pháp. Quốc hội gồm 151 đại biểu được bầu ra theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng và bỏ phiếu kín, trong đó 140 đại biểu được bầu ra từ các khu vực bầu cử đa thành viên, ba đại biểu được dành cho kiều dân, người Croatia tại Bosnia và Herzegovina và tám đại biểu được dành cho các nhóm thiểu số.[2] Chủ tịch Quốc hội chủ tọa các phiên họp của Quốc hội, được ít nhất một phó chủ tịch giúp (thông thường là bốn đến năm phó chủ tịch).

Lịch sử

[sửa | sửa mã nguồn]
Phó vương Josip Jelačić tại lễ khai mạc Quốc hội (Sabor) đương đại đầu tiên của Croatia, ngày 5 tháng 6 năm 1848. Quốc kỳ Croatia ở hậu cảnh.

Quốc hội Croatia đã tồn tại dưới nhiều hình thức từ thế kỷ 9. Phiên họp lâu đời nhất của Quốc hội Croatia được ghi chép trong sử liệu diễn ra tại Zagreb vào ngày 19 tháng 4 năm 1273. Năm 1527, Quốc hội chọn Ferdinand I của Vương tộc Habsburg làm quốc vương mới của Croatia sau hàng thế kỷ liên hiệp với Hungary,[3][4] một quyết định quan trọng trong lịch sử dựng nước của Croatia.[5] Năm 1712, Quốc hội chọn Maria Theresia của Áo làm quốc vương mới,[3] một quyết định quan trọng khác trong lịch sử dựng nước của Croatia từ thời Trung Cổ đến hiện đại.

Cách mạng 1848 trên khắp châu Âu nói chung và tại Đế quốc Áo nói riêng là một bước ngoặt trong chính trị xã hội Croatia, tác động đến phong trào chấn hưng dân tộc Croatia. Quốc hội Croatia bắt đầu ngấm ngầm ủng hộ cắt đứt quan hệ với Vương quốc Hungary và liên kết với những dân tộc người Slav Nam khác. Sau khi Đế quốc Áo-Hung được thành lập vào năm 1867, Croatia được Hungary trao quyền tự trị như một phần của đế quốc.[6] Từ thập niên 1860, hai đảng ủng hộ độc lập được thành lập, là Đảng Quyền lợi và Đảng Nhân dân. Đối lập với hai đảng này là Đảng Lập hiến Quốc gia, đảng này chủ trương duy trì mối quan hệ giữa Croatia và Hungary và là đảng cầm quyền từ năm 1860 đến năm 1903. Một đảng quan trọng khác là Đảng Độc lập Serb, về sau liên minh với Đảng Quyền lợi và những đảng Croatia, Serb khác mà thành lập Liên minh Croatia-Serb. Liên minh Croatia-Serb nắm quyền tại Croatia từ năm 1903 đến năm 1918. Năm 1904, Đảng Nông dân Croatia được thành lập dưới sự lãnh đạo của Stjepan Radić, chủ trương trao quyền tự trị cho Croatia nhưng không thắng cử được vào năm 1918.[6] Tại Vương quốc Dalmatia có hai đảng chính: Đảng Nhân dân, là chi bộ của Đảng Nhân dân hoạt động tại Vương quốc Croatia-Slavonia; và Đảng Tự trị, chủ trương duy trì quyền tự trị của Dalmatia và phản đối yêu cầu thống nhất Croatia-Slavonia với Dalmatia của Đảng Nhân dân.

Quốc hội Croatia vào năm 1914

Đầu thế kỷ 20, Đảng Quyền lợi bắt đầu trúng cử tại Dalmatia.[7] Đảng Tự trị thắng cử trong ba cuộc bầu cử đầu tiên, trong khi Đảng Nhân dân thắng cử trong các cuộc bầu cử từ năm 1870 đến năm 1908. Tổng cộng có 17 cuộc bầu cử được tổ chức tại Croatia-Slavonia và 10 cuộc bầu cử được tổ chức tại Dalmatia từ năm 1861 đến năm 1918.[6]

Ngày 29 tháng 10 năm 1918, Quốc hội Croatia tuyên bố độc lập khỏi Đế quốc Áo-Hung, thành lập Nhà nước Slovene, Croat và Serb. Nhà nước Slovene, Croat và Serb gia nhập Vương quốc Nam Tư nhưng quyết định đó không được Quốc hội Croatia phê chuẩn.[3][5] Hiến pháp Nam Tư năm 1921 quy định Vương quốc Nam Tư là một nhà nước đơn nhất và bãi bỏ các đơn vị hành chính cũ, chấm dứt sự tồn tại của Croatia như một thực thể chính trị.[8] Thỏa thuận Cvetković–Maček được ký vào tháng 8 năm 1939 tái lập tỉnh Croatia với một chính quyền gồm Quốc hội và một phó vương.[9] Tuy nhiên, thỏa thuận trở nên vô nghĩa sau khi Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ. Nhà nước Độc lập Croatia được thành lập như một nhà nước bù nhìn của Đức Quốc XãPhát xít Ý, tất cả các đảng đối lập đều bị cấm.[10] Quốc hội của chính quyền bù nhìn họp ba lần từ ngày 23 tháng 2 năm 1942 đến ngày 28 tháng 12 năm 1942 trước khi bị giải tán. Quốc hội không có thực quyền do chịu sự kiểm soát của Ante Pavelić.[3]

Trong Chiến tranh thế giới thứ hai, Hội đồng chống phát xít nhà nước giải phóng dân tộc Croatia (ZAVNOH) là cơ quan đại biểu của Croatia, tiền thân của Quốc hội. ZAVNOH trở thành Quốc hội vào năm 1945.[11] Trong cuộc bầu cử độc diễn năm 1945,[12] Đảng Cộng sản Nam Tư trúng cử tuyệt đại đa số ghế sau khi tất cả các đảng đối lập đều tẩy chay cuộc bầu cử do bị mật thám đe dọa, cưỡng bách.[13] Sau khi lên nắm quyền, Đảng Cộng sản Nam Tư thành lập một chế độ một đảng với Đảng Cộng sản Nam Tư (Liên minh Cộng sản Nam Tư từ năm 1952) là đảng cầm quyền, Đảng Cộng sản Croatia là chi bộ.[14] Tháng 1 năm 1990, Liên minh Cộng sản Nam Tư bị chia rẽ nội bộ vì xung đột dân tộc, chi bộ Croatia bắt đầu đòi quyền tự trị cho Croatia.[15]

Cảnh ăn mừng trước Quốc hội Croatia việc cắt đứt quan hệ nhà nước, pháp lý giữa Croatia và Áo-Hung vào năm 1918

Trong thời kỳ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Croatia, Quốc hội trải qua nhiều đợt cải tổ. Năm 1953, Quốc hội trở thành một cơ quan lập pháp lưỡng viện. Quốc hội dược cải tổ thành năm viện vào năm 1963, rồi giảm xuống ba viện vào năm 1974. Năm 1971, Đoàn Chủ tịch Quốc hội được thành lập làm chủ tịch tập thể của Croatia. Từ năm 1974, Quốc hội bầu Đoàn Chủ tịch nước của Croatia.[16]

Ngày 20 tháng 5 năm 1989, Đảng Tự do Xã hội Croatia được thành lập, là đảng phi cộng sản đầu tiên dưới chế độ cộng sản. Ngày 17 tháng 6 năm 1989, Liên minh Dân chủ Croatia được thành lập. Tháng 12 năm 1989, Ivica Račan trở thành tổng bí thư của Liên minh Cộng sản Croatia. Đảng cộng sản quyết định hủy các phiên tòa chính trị, thả tù nhân chính trị và chấp nhận một hệ thống đa đảng. Các đảng đối lập được hợp pháp hóa từ ngày 11 tháng 1 năm 1990. Trong vòng đầu tiên của cuộc bầu cử Quốc hội năm 1990, có 33 đảng tham gia tranh cử. Một nửa số lượng thành viên Quốc hội được bầu ra tại các khu vực bầu cử một thành viên, một nửa được bầu ra theo các liên danh đảng.[17] Có ba đảng, liên minh chính tham gia cuộc bầu cử: Đảng Thay đổi Dân chủ (nguyên là Liên minh Cộng sản Croatia), Liên minh Dân chủ Croatia và Liên minh Nhất trí Nhân dân.[18][19] Liên minh Dân chủ Croatia do Franjo Tuđman lãnh đạo thắng cử cuộc bầu cử, vượt qua đảng cộng sản. Liên minh Nhất trí Nhân dân tan rã thành những đảng riêng biệt. Ngày 8 tháng 10 năm 1991, Croatia trở thành một nước độc lập.[20] Liên minh Dân chủ Croatia tiếp tục chiếm đa số trong Quốc hội cho đến khi thất cử Đảng Dân chủ Xã hội Croatia vào năm 2000.[21] Liên minh Dân chủ Croatia tái chiếm đa số vào năm 2003, Đảng Dân chủ Xã hội Croatia trở thành đảng đối lập lớn nhất trong Quốc hội.[22]

Phiên họp của Quốc hội Croatia vào ngày 29 tháng 10 năm 1918

Nhiệm vụ và quyền hạn

[sửa | sửa mã nguồn]

Quốc hội Croatia là cơ quan đại biểu của nhân dân Croatia, thực hiện quyền lập pháp. Quốc hội họp mỗi năm hai kỳ, kỳ họp thứ nhất từ ngày 15 tháng 1 đến ngày 15 tháng 7, kỳ họp thứ hai từ ngày 15 tháng 9 đến ngày 15 tháng 12. Tổng thống, chính phủ hoặc quá nửa số đại biểu Quốc hội có quyền yêu cầu triệu tập kỳ họp bất thường Quốc hội. Quốc hội họp công khai. Quốc hội quyết định theo đa số; trường hợp vấn đề về các dân tộc thiểu số, sửa đổi hiến pháp, chế độ bầu cử và quyền hạn của cơ quan nhà nước, chính quyền địa phương phải được ít nhất hai phần ba số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành. Quốc hội có thể ủy quyền ban hành sắc luật cho chính phủ, trừ những trường hợp phải được ít nhất hai phần ba số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành. Lệnh ủy quyền có hiệu lực trong thời hạn một năm. Luật của Quốc hội được tổng thống công bố trong tám ngày, trừ trường hợp tổng thống trình Tòa án Hiến pháp xem xét.[5]

Shield with colored painting on stone building
Quốc huy Vương quốc Croatia, Slavonia và Dalmatia trên tòa nhà Quốc hội Croatia

Đại biểu Quốc hội được hưởng quyền miễn trừ. Không được truy tố đại biểu Quốc hội nếu không có sự đồng ý của Quốc hội, trừ trường hợp tội danh có hình phạt tù từ năm năm. Quốc hội có thể thành lập một ủy ban đặc biệt để điều tra về một vấn đề được dư luận quan tâm.[5]

Hiến pháp Croatia quy định nhiệm vụ và quyền hạn của Quốc hội Croatia, bao gồm quyết định các quan hệ kinh tế, pháp lý và chính trị tại Croatia; quy định bảo tồn, sử dụng tài nguyên thiên nhiên, di sản văn hóa của Croatia; quyết định liên minh với những nước khác; quyết định triển khai Quân đội Croatia; quy định hạn chế các quyền công dân, quyền tự do trong thời chiến, trường hợp nguy cơ chiến tranh hoặc thiên tai, ngoại trừ đối với quyền sống, quyền tự do tư tưởng, lương tâm và tôn giáo, lệnh cấm tra tấn hoặc trừng phạt tàn nhẫn; quyết định sửa đổi biên giới của Croatia; làm luật; sửa đổi hiến pháp; quyết định dự toán ngân sách nhà nước; quyết định tuyên chiến và chấm dứt tình trạng chiến tranh; quyết định tuyên bố chính sách; quyết định chiến lược quốc phòng; giám sát quân đội và cảnh sát; quyết định trưng cầu ý dân; tổ chức bầu cử và quyết định bổ nhiệm những chức danh theo quy định của hiến pháp và luật; giám sát hoạt động của nhà nước; quyết định ân xá; và thực hiện những nhiệm vụ khác do hiến pháp quy định.[5]

Chính phủ chịu trách nhiệm trước Quốc hội; một số cơ quan nhà nước khác như Ngân hàng Quốc gia Croatia và Kiểm toán nhà nước báo cáo công tác trước Quốc hội. Quốc hội bổ nhiệm một viên thanh tra độc lập có nhiệm vụ bảo vệ quyền con người, quyền công dân được quy định tại hiến pháp, luật của Quốc hội và điều ước quốc tế mà Croatia là thành viên. Nhiệm kỳ của viên thanh tra là tám năm. Những cá nhân được Quốc hội ủy quyền được hưởng quyền miễn trừ giống như đại biểu Quốc hội.[5]

Chủ tịch Quốc hội

[sửa | sửa mã nguồn]
Tranh tại Cung điện Quốc hội kỷ niệm ngày 25 tháng 6 năm 1991, khi Quốc hội thông qua Quyết định hiến pháp về độc lập và chủ quyền của Cộng hòa Croatia, tuyên bố Croatia là một nhà nước độc lập, có chủ quyền.

Chủ tịch Quốc hội và các phó chủ tịch Quốc hội do Quốc hội bầu ra trong số thành viên Quốc hội theo đa số tương đối.[5]

Từ sau cuộc bầu cử đa đảng đầu tiên sau thời kỳ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Croatia, đã có 12 chủ tịch Quốc hội mà năm chủ tịch Quốc hội đầu tiên kiêm chủ tịch Hạ viện bởi vì Quốc hội lưỡng viện vào thời điểm đó.[23] Gordan Jandroković là chủ tịch Quốc hội đương nhiệm.

Chủ tịch Quốc hội giữ quyền tổng thống trong trường hợp tổng thống qua đời, từ chức hoặc không làm việc được trong thời gian dài.[B][5] Năm 1999, Vlatko Pavletić giữ quyền tổng thống sau khi Franjo Tuđman qua đời.[24] Sau cuộc bầu cử Quốc hội năm 2000, Zlatko Tomčić giữ quyền tổng thống cho đến khi Stjepan Mesić trở thành tổng thống.[25]

Tên Từ Đến Đảng
Žarko Domljan 30 tháng 5 năm 1990 7 tháng 9 năm 1992 Liên minh Dân chủ Croatia
Stjepan Mesić 7 tháng 9 năm 1992 24 tháng 5 năm 1994
Nedjeljko Mihanović 24 tháng 5 năm 1994 28 tháng 11 năm 1995
Vlatko Pavletić 28 tháng 11 năm 1995 2 tháng 2 năm 2000
Zlatko Tomčić 2 tháng 2 năm 2000 22 tháng 12 năm 2003 Đảng Nông dân Croatia
Vladimir Šeks 22 tháng 12 năm 2003 11 tháng 1 năm 2008 Liên minh Dân chủ Croatia
Luka Bebić 11 tháng 1 năm 2008 22 tháng 12 năm 2011
Boris Šprem 22 tháng 12 năm 2011 30 tháng 9 năm 2012 Đảng Dân chủ Xã hội Croatia
Josip Leko 10 tháng 10 năm 2012 28 tháng 12 năm 2015
Željko Reiner 28 tháng 12 năm 2015 14 tháng 10 năm 2016 Liên minh Dân chủ Croatia
Božo Petrov 14 tháng 10 năm 2016 4 tháng 5 năm 2017 MOST
Gordan Jandroković 5 tháng năm 2017 Hiện tại Liên minh Dân chủ Croatia
Nguồn: Former Speakers of the Parliament
Sabornica, hội trường chính của Quốc hội Croatia

Tổ chức

[sửa | sửa mã nguồn]

Hiến pháp Croatia quy định Quốc hội gồm ít nhất 100 đại biểu và không quá 160 đại biểu được bầu ra trực tiếp theo nguyên tắc bỏ phiếu kín. Nhiệm kỳ của đại biểu Quốc hội là bốn năm. Bầu cử Quốc hội được tổ chức trong 60 ngày sau khi Quốc hội hết nhiệm kỳ hoặc bị giải tán. Quốc hội bị giải tán trong trường hợp bỏ phiếu bất tín nhiệm hoặc khi Quốc hội không quyết định dự toán ngân sách nhà nước trong 120 ngày sau khi chính phủ trình Quốc hội. Quốc hội khóa mới phải họp trong 20 ngày sau cuộc bầu cử.[5]

140 đại biểu Quốc hội được bầu ra từ các khu vực bầu cử đa thành viên, tối đa 3 đại biểu Quốc hội được bầu ra theo chế độ đại diện tỷ lệ, đại diện cho công dân Croatia ở nước ngoài, 8 đại biểu Quốc hội đại diện cho các nhóm, cộng đồng dân tộc thiểu số.[26]

Lịch sử bầu cử Quốc hội

[sửa | sửa mã nguồn]
Graph
Kết quả bầu cử Quốc hội Croatia, 1992–2020; những đảng trúng cử ít nhất 10 đại biểu Quốc hội individually

Từ năm 1990, đã có bảy cuộc bầu cử Quốc hội Croatia. Bầu cử Quốc hội năm 1990 là cuộc bầu cử đa đảng đầu tiên sau thời kỳ cộng sản 45 năm. Vào thời điểm đó, Quốc hội có ba viện: Hội đồng chính trị xã hội gồm 80 thành viên; Hội đồng đại biểu địa phương gồm 116 thành viên; và Hội đồng lao động liên hiệp gồm 160 thành viên. Tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu trong vòng đầu tiên của cuộc bầu cử là 85,5%, trong vòng thứ hai là 74,8%. Liên minh Dân chủ Croatia trúng cử 205 thành viên và Đảng Dân chủ Xã hội Croatia trúng cử 107 thành viên. Từ năm 1990 đến năm 2007, đã có năm cuộc bầu cử Viện Dân biểu, hiện tại là viện duy nhất của Quốc hội. Số lượng thành viên Viện Dân biểu đã tăng từ 127 thành viên vào năm 1995 lên 153 thành viên vào năm 2007. Từ khi số lượng thành viên Quốc hội bị giới hạn dưới 160 thành viên thì chỉ có 5 đảng trúng cử hơn 10 thành viên trong một cuộc bầu cử bất kỳ: Liên minh Dân chủ Croatia, Đảng Nông dân Croatia, Đảng Nhân dân Croatia, Đảng Tự do Xã hội Croatia và Đảng Dân chủ Xã hội Croatia.[22]

Bầu cử Quốc hội Croatia từ năm 1990 (Tam viện (1990), Viện Dân biểu (Hạ viện 1990–2001), Quốc hội một viện (2001–hiện tại))
Bầu cử Tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu Kết quả Nội các
1990 * Quốc hội khóa I Nội các Stjepan Mesić, Nội các Josip Manolić, Nội các Franjo Gregurić
1992 75,6% Quốc hội khóa II Nội các Hrvoje Šarinić, Nội các Nikica Valentić
1995 68,8% Quốc hội khóa III Nội các Zlatko Mateša
2000 70,5% Quốc hội khóa IV Nội các Ivica Račan I, Nội các Ivica Račan II
2003 61,7% Quốc hội khóa V Nội các Ivo Sanader I
2007 59,5% Quốc hội khóa VI Nội các Ivo Sanader II, Nội các Jadranka Kosor
2011 54,3% Quốc hội khóa VII Nội các Zoran Milanović
2015 60,8% Quốc hội khóa VIII Nội các Tihomir Orešković
2016 52,6% Quốc hội khóa IX Nội các Andrej Plenković I
2020 46,4% Quốc hội khóa X Nội các Andrej Plenković II
Nguồn: Ủy ban bầu cử nhà nước[22]

Viện các Hạt

[sửa | sửa mã nguồn]

Từ năm 1990 đến năm 2001, Quốc hội Croatia gồm hai viện: Viện Dân biểu và Viện các Hạt. Viện các Hạt là cơ quan đại diện của các hạt của Croatia, là một đơn vị hành chính mới được quy định từ năm 1990. Viện các Hạt (Županijski dom) gồm tối đa 68 đại biểu,[27] mỗi hạt bầu ra ba đại biểu theo chế độ đại diện tỷ lệ, tổng thống có quyền bổ nhiệm tối đa năm đại biểu. Viện các Hạt bị bãi bỏ vào năm 2001.[28]

Chủ tịch Viện các Hạt
Tên Từ Đến Đảng
Josip Manolić 22 tháng 3 năm 1993 23 tháng 5 năm 1994 Liên minh Dân chủ Croatia
Katica Ivanišević 23 tháng 5 năm 1994 28 tháng 3 năm 2001
Kết quả bầu cử của các đảng

Bầu cử Viện các hạt 1993–1997

Đảng 1993 1997
Liên minh Dân chủ Croatia 39 42
Đảng Quyền lợi Croatia 2
Đảng Nông dân Croatia 5 9
Đảng Nhân dân Croatia 1
Đảng Tự do Xã hội Croatia 16 7
Đảng Dân chủ Istria 3 2
Đảng Dân chủ Xã hội Croatia 1 4
Không đảng phái 3 2
Nguồn: Ủy ban bầu cử nhà nước Croatia[22][29]

Công bố hoạt động của Quốc hội

[sửa | sửa mã nguồn]

Quốc hội Croatia đăng tất cả các quyết định trên Narodne novine, là công báo của Croatia. Quốc hội họp công khai, các hoạt động của Quốc hội được đưa tin trên truyền thông Croatia. Năm 2007, một kênh truyền hình giao thức Internet về Quốc hội được thành lập, truyền hình tất cả các phiên họp toàn thể của Quốc hội.[30][31] Ngoài ra, vụ đối ngoại của Quốc hội xuất bản một bản tin cho các cơ quan, tổ chức, công dân Croatia.[32][33]

Trụ sở

[sửa | sửa mã nguồn]
Hội trường chính của Quốc hội Croatia.

Quốc hội Croatia họp tại Zagreb từ thế kỷ 13 nhưng phải đến thế kỷ 18 thì mới có trụ sở riêng. Trước đó, các phiên họp của Quốc hội được tổ chức tại nhà riêng, dinh thự hoàng gia và của nơi ở của giám mục.[34] Trong Chiến tranh Croatia-Ottoman, Quốc hội không thể họp toàn thể cho nên quyết định cho phép phó vương thành lập một hội đồng gồm sáu thành viên, có nhiệm vụ thực hiện những nhiệm vụ của Quốc hội trong thời gian Quốc hội không thể họp. Sáu thành viên hội đồng là phó vương, hai giáo sĩ cấp cao và ba hoặc bốn nhà quý tộc. Hội đồng thông thường họp tai Zagreb hoặc Varaždin, ngoài ra cũng họp tại Čiče, Ludbreg, Kerestinec, Viên, Želin, Bratislava, Klenovnik, Slunj, Glina, Petrinja, Rasinja, PtujBuda.[35]

Năm 1731, chính phủ mua những tòa nhà tại địa điểm hiện tại của Quốc hội và khởi công xây dựng một tòa nhà mới vào năm sau. Quốc hội họp lần đầu tiên tại trụ sở mới vào ngày 6 tháng 5 năm 1737. Tòa nhà ban đầu được thiết kế kiêm trụ sở văn khố, tòa án tối cao và văn phòng của phó vương nhưng chính quyền hạt Zagreb cũng dời vào tòa nhà vào năm 1765. Văn khố, tòa án tối cao và văn phòng của phó vương dời vào một tòa nhà khác ở bên kia Quảng trường Thánh Máccô vào năm 1807. Quốc hội phải dời về một nhà hát ở góc quảng trường, về sau trở thành Tòa thị chính Zagreb. Chính quyền hạt Zagreb khởi công một trụ sở riêng nằm cạnh Quốc hội vào năm 1839 và khánh thành tòa nhà vào năm 1849.[34]

Năm 1907, chính phủ Vương quốc Croatia-Slavonia mua tòa nhà quốc hội cùng với những tòa nhà liền kề và khởi công xây dựng trụ sở mới theo thiết kế của Lav Kalda và Karlo Susan. Chính quyền hạt Zagreb dời trụ sở đến địa điểm khác, nhường lại khu vực cho Quốc hội. Trụ sở Quốc hội hiện tại được khánh thành vào năm 1911.[34]

Sau trận động đất Zagreb 2020, Cung điện Quốc hội phải được sửa chữa cho nên Quốc hội đã quyết định tạm dời đến Doanh trại Petar Zrinski tại quận Črnomerec, là trụ sở của Học viện Quân sự Croatia "Dr. Franjo Tuđman".[36]

  1. ^ Từ "Sabor" trong tiếng Croatia chỉ được dùng đối với quốc hội của Croatia. Đối với quốc hội của những nước khác, tiếng Croatia dùng từ parlament hoặc skupština.[1]
  2. ^ Tòa án Hiến pháp Croatia quyết định việc tổng thống không làm việc được trong thời gian dài theo yêu cầu của chính phủ.
  1. ^
  2. ^ SDSS represents the Serbian national minority
  3. ^
  4. ^
  5. ^
  6. ^
  7. ^
  8. ^
    •      DP (5)
    •      BLOK (1)
  9. ^
  10. ^
  11. ^
  12. ^
  13. ^
  14. ^

Tham khảo

[sửa | sửa mã nguồn]
  1. ^ “Hrvatski sabor obilježava Međunarodni dan demokracije” [Croatian Parliament marks the international day of democracy] (bằng tiếng Croatia). Sabor. 15 tháng 9 năm 2009. Bản gốc lưu trữ ngày 7 tháng 8 năm 2018. Truy cập ngày 10 tháng 2 năm 2012.
  2. ^ “Knife-Edge Result Likely in Croatian Elections”. Balkan Insight (bằng tiếng Anh). 6 tháng 11 năm 2015. Truy cập ngày 7 tháng 8 năm 2020.
  3. ^ a b c d “Povijest saborovanja” [History of parliamentarism] (bằng tiếng Croatia). Sabor. Lưu trữ bản gốc ngày 2 tháng 12 năm 2010. Truy cập ngày 18 tháng 10 năm 2010.
  4. ^ Richard C. Frucht (2005). Eastern Europe: An Introduction to the People, Lands, and Culture. ABC-CLIO. tr. 422–423. ISBN 978-1-57607-800-6. Truy cập ngày 18 tháng 10 năm 2011.
  5. ^ a b c d e f g h i “Ustav Republike Hrvatske” [Constitution of the Republic of Croatia]. Narodne Novine (bằng tiếng Croatia). 9 tháng 7 năm 2010. Truy cập ngày 11 tháng 10 năm 2011.
  6. ^ a b c Stjepan Matković (tháng 4 năm 2011). “Croatian-Slovenian relations in politics, 1848–1914: examples of mutual ties”. Review of Croatian History. Croatian Institute of History. 6 (1): 115–132. ISSN 1845-4380. Truy cập ngày 15 tháng 11 năm 2011.
  7. ^ Šime Peričić (tháng 9 năm 2003). “O broju Talijana/talijanaša u Dalmaciji XIX. stoljeća” [Concerning the Number of Italians/Pro-Italians in Dalmatia in the 19th Century]. Radovi Zavoda za povijesne znanosti HAZU u Zadru (bằng tiếng Croatia). Croatian Academy of Sciences and Arts (45): 327–355. ISSN 1330-0474. Truy cập ngày 15 tháng 11 năm 2011.
  8. ^ “Parlamentarni izbori u Brodskom kotaru 1923. godine” [Parliamentary Elections in the Brod District in 1932]. Scrinia Slavonica (bằng tiếng Croatia). Croatian Institute of History – Slavonia, Syrmium and Baranya history branch. 3 (1): 452–470. tháng 11 năm 2003. ISSN 1332-4853. Truy cập ngày 17 tháng 10 năm 2011.
  9. ^ Matjaž Klemenčič; Mitja Žagar (2004). The former Yugoslavia's diverse peoples: a reference sourcebook. ABC-CLIO. tr. 121–123. ISBN 978-1-57607-294-3. Truy cập ngày 17 tháng 10 năm 2011.
  10. ^ R.J.B. Bosworth (2009). The Oxford handbook of fascism. Oxford University Press. tr. 431. ISBN 978-0-19-929131-1.
  11. ^ “Važniji datumi iz povijesti saborovanja” [Important dates in the history of Sabor] (bằng tiếng Croatia). Sabor. Bản gốc lưu trữ ngày 3 tháng 12 năm 2010. Truy cập ngày 17 tháng 2 năm 2012.
  12. ^ Davorin Rudolf; Saša Čobanov (tháng 6 năm 2009). “Jugoslavija: unitarna država ili federacija povijesne težnje srpskoga i hrvatskog naroda – jedan od uzroka raspada Jugoslavije” [Yugoslavia: A Unitary State or a Federation (Conflicting historical tensions – one of the causes of the dissolution of Yugoslavia)]. Zbornik Radova Pravnog Fakulteta U Splitu (bằng tiếng Croatia). University of Split, Faculty of Law. 46 (2): 287–317. ISSN 0584-9063. Truy cập ngày 15 tháng 11 năm 2011.
  13. ^ Andrew Hammond (2004). The Balkans and the West: constructing the European other, 1945–2003. Ashgate Publishing. tr. 1–4. ISBN 978-0-7546-3234-4. Truy cập ngày 11 tháng 2 năm 2012.
  14. ^ Marina Štambuk-Škalić (tháng 4 năm 2003). “Prilog poznavanju institucija: Sabor Narodne Republike Hrvatske, saziv 1953–1963” [Contribution to the History of Institutions: Parliament of the People's Republic of Croatia, Convocation 1953–1963]. Arhivski vjesnik (bằng tiếng Croatia). Croatian State Archive (45): 83–102. ISSN 0570-9008. Truy cập ngày 15 tháng 11 năm 2011.
  15. ^ Davor Pauković (1 tháng 6 năm 2008). “Posljednji kongres Saveza komunista Jugoslavije: uzroci, tijek i posljedice raspada” [Last Congress of the League of Communists of Yugoslavia: Causes, Consequences and Course of Dissolution]. Časopis Za Suvremenu Povijest (bằng tiếng Croatia). Centar za politološka istraživanja. 1 (1): 21–33. ISSN 1847-2397. Truy cập ngày 11 tháng 12 năm 2010.
  16. ^ Dejan Jović (2009). Yugoslavia: a state that withered away. Purdue University Press. tr. 77–82. ISBN 978-1-55753-495-8. Truy cập ngày 12 tháng 2 năm 2012.
  17. ^ Robert Podolnjak (tháng 9 năm 2008). “Hrvatsko izborno zakonodavstvo: moguće i nužne promjene” [Croatian electoral legislation: possible and necessary amendments]. Zbornik Radova Pravnog Fakulteta U Splitu (bằng tiếng Croatia). University of Split, Faculty of Law. 45 (2): 305–343. ISSN 0584-9063. Truy cập ngày 12 tháng 2 năm 2012.
  18. ^ “Statut” [Constitution] (bằng tiếng Croatia). Croatian Peasant Party. 19 tháng 12 năm 2009. Truy cập ngày 15 tháng 11 năm 2011.
  19. ^ Šime Dunatov (tháng 12 năm 2010). “Začetci višestranačja u Hrvatskoj 1989. godine” [The Origins of the Multi-Party System in Croatia in 1989]. Radovi Zavoda za povijesne znanosti HAZU u Zadru (bằng tiếng Croatia). Croatian Academy of Sciences and Arts (52): 381–397. ISSN 1330-0474. Truy cập ngày 15 tháng 11 năm 2011.
  20. ^ “Ceremonial session of the Croatian Parliament on the occasion of the Day of Independence of the Republic of Croatia”. Official web site of the Croatian Parliament. Sabor. 7 tháng 10 năm 2004. Bản gốc lưu trữ ngày 14 tháng 3 năm 2012. Truy cập ngày 29 tháng 7 năm 2012.
  21. ^ “Prethodne vlade RH” [Previous governments of the Republic of Croatia] (bằng tiếng Croatia). Croatian Government. Bản gốc lưu trữ ngày 23 tháng 11 năm 2011. Truy cập ngày 10 tháng 11 năm 2011.
  22. ^ a b c d “Arhiva izbora” [Elections Archive] (bằng tiếng Croatia). State Election Commission. Bản gốc lưu trữ ngày 31 tháng 10 năm 2011. Truy cập ngày 13 tháng 11 năm 2011.
  23. ^ “Prethodni predsjednici Sabora” [Previous Speakers of the Parliament] (bằng tiếng Croatia). Sabor. Bản gốc lưu trữ ngày 3 tháng 3 năm 2016. Truy cập ngày 17 tháng 11 năm 2011.
  24. ^ “Akademik Vlatko Pavletić, predsjednik Sabora od 1995. do 2000. godine” [Academician Vlatko Pavletić, Speaker of the Parliament from 1995 to 2000] (bằng tiếng Croatia). Sabor. Bản gốc lưu trữ ngày 2 tháng 11 năm 2013. Truy cập ngày 17 tháng 11 năm 2011.
  25. ^ “Zlatko Tomčić, predsjednik Sabora od 2000. do 2003. godine” [Zlatko Tomčić, Speaker of the Parliament from 2000 to 2003] (bằng tiếng Croatia). Sabor. Bản gốc lưu trữ ngày 18 tháng 1 năm 2012. Truy cập ngày 17 tháng 11 năm 2011.
  26. ^ “About the Parliament”. Sabor. Bản gốc lưu trữ ngày 6 tháng 7 năm 2016. Truy cập ngày 14 tháng 10 năm 2011.
  27. ^ “Ustav Republike Hrvatske (NN 056/1990)” [Constitution of the Republic of Croatia (NN 056/1990)] (bằng tiếng Croatia). HIDRA. Truy cập ngày 11 tháng 2 năm 2012.
  28. ^ “History of Croatian Constitutional Judicature”. Croatian Constitutional Court. Bản gốc lưu trữ ngày 15 tháng 4 năm 2012. Truy cập ngày 9 tháng 11 năm 2011.
  29. ^ “Rezultati izbora za županijski dom Sabora Republike Hrvatske 1997. godine” [Results of Election for the Chamber of Counties of the Parliament of the Republic of Croatia in Year 1997] (PDF) (bằng tiếng Croatia). State Election Commission. Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 2 tháng 11 năm 2013. Truy cập ngày 13 tháng 11 năm 2011.
  30. ^ “Saborska televizija dostupna i na Internetu” [Parliament television also available on the internet] (bằng tiếng Croatia). Nova TV (Croatia). 25 tháng 1 năm 2007. Truy cập ngày 6 tháng 1 năm 2012.
  31. ^ “Sjednice sabora” [Sessions of the Parliament] (bằng tiếng Croatia). Sabor. Bản gốc lưu trữ ngày 25 tháng 9 năm 2012. Truy cập ngày 6 tháng 1 năm 2012.
  32. ^ “Public Relations Department”. Sabor. Bản gốc lưu trữ ngày 2 tháng 12 năm 2010. Truy cập ngày 6 tháng 1 năm 2012.
  33. ^ “Izvješća Hrvatskoga sabora – tjedni pregled” [Croatian Parliament reports – weekly review] (bằng tiếng Croatia). Sabor. Bản gốc lưu trữ ngày 10 tháng 5 năm 2013. Truy cập ngày 11 tháng 2 năm 2012.
  34. ^ a b c “Povijest saborske palače” [History of the parliament palace] (bằng tiếng Croatia). Sabor. Bản gốc lưu trữ ngày 4 tháng 5 năm 2012. Truy cập ngày 30 tháng 12 năm 2011.
  35. ^ “Hrvatska kraljevinska konferencija iz 1729. donijela prvi proračun hrvatskoga kraljevstva”. Saborske povijesne zanimljivosti (bằng tiếng Croatia). Croatian Parliament. Bản gốc lưu trữ ngày 19 tháng 1 năm 2012. Truy cập ngày 30 tháng 12 năm 2011.
  36. ^ "Objavljeni svi detalji o preseljenju Sabora: u zgrade na Črnomercu uložit će se oko dva milijuna eura" (bằng tiếng Croatia). Telegram.hr. Truy cập ngày 24 tháng 2 năm 2024.

Đọc thêm

[sửa | sửa mã nguồn]

Liên kết ngoài

[sửa | sửa mã nguồn]
pFad - Phonifier reborn

Pfad - The Proxy pFad of © 2024 Garber Painting. All rights reserved.

Note: This service is not intended for secure transactions such as banking, social media, email, or purchasing. Use at your own risk. We assume no liability whatsoever for broken pages.


Alternative Proxies:

Alternative Proxy

pFad Proxy

pFad v3 Proxy

pFad v4 Proxy